Sáng nay ba thanh thản ra đi xung quanh gia đình và người thân. Tuy tôi không thể về gặp mặt ba lần chót nhưng cũng thấy được ba qua video khi ba trút hơi thở cuối cùng trước khi lìa trần. Khi hay tin ba bị ung thư tuyến tụy ở giai đoạn cuối vài tháng trước, tôi muốn về thăm ba ngay nhưng thời buổi đại dịch COVID chính phủ Việt Nam không cho vào. Tôi vẫn nuôi hy vọng là ba sẽ chóng chọi đến lúc Việt Nam mở cửa lại. Nhưng mỗi lần thấy ba đau đớn qua video, tôi bùi ngùi lắm. Thôi thì ba ra đi như vậy cũng nhẹ nhàng và đỡ đau thể xác.
Ba đã hưởng thọ hơn 80 năm cuộc đời. Con người trước sau gì cũng phải lìa xa cõi tạm trần gian. Tôi cầu mong cho hương hồn của ba được trở về cõi vĩnh hằng. Từ nhỏ, tôi đã xa ba. Người ở lại Việt Nam còn người sang Mỹ, ba và tôi đã sống giữa hai thế giới xa cách và khác biệt nhau. Bốn mươi mấy năm qua hình bóng của ba vẫn luôn trong ký ức, đầu óc, và con tim của tôi. Suốt cuộc đời còn lại của tôi vẫn thế. Ba sẽ luôn giữ một vị trí riêng trong tôi.
Tôi thành thật cám ơn đại gia đình đã lo lắng cho ba chu đáo cho đến cuối đời. Tôi thì chưa làm được gì cho ba nhưng anh chị sống gần ba đã thay thế cho tôi. Tình thương của anh chị dành cho ba khiến tôi kính nể và cảm kích. Anh chị đã làm tròn bổn phận của những đứa con hiếu thảo. Ba ra đi cũng vui và an tâm biết được các con của ông vẫn đùm bọc và tương tác lẫn nhau. Tình anh chị em như thế quý lắm. Tuy tôi không sống gần anh chị nhưng tôi rất hãnh diện và hạnh phúc được cùng chung một dòng máu. Chúng con cầu xin cho ba được nghỉ ngơi trong thanh bình.
— Donny Trương
RIP, Dad
My phone rang around 2:15 in the morning on Sunday. It was my sister in Vietnam. I knew something was bad. She cried and informed me that our dad was not doing well. She turned on the camera and pointed to our dad. He was on the ventilator and his skin already turned gray. Fifteen minutes later, he stopped breathing. My heart sank. My sister kept her camera on while everyone did something for him. My brother-in-law gave him a wash. My other sister changed his clothes. I was totally helpless from the other side of the world. My sister told me she needed to do something so we hung up.
I tried to catch some sleep but I just tossed and turned. Around five in morning, my sister called again and asked me to break the news to my mom. I called her to tell her about her husband’s passing and guided my nephew to help her make a video call so she could see his face for the last time before they placed him in his casket. I told my wife I needed to drive to Lancaster to be with my mother during this difficult time. I listened to Khánh Ly’s pre-1975 recording of Trịnh Công Sơn music the whole time I was on the road. I always turned to this special collection when I needed to console my own soul. Through his philosophical lyricism, he writes about death eloquently.
I stayed with her and we talked about my father a bit. We both were grieving in silence. I bought some lunch and we ate together. Her emotion was stronger than I thought. She had been through so much and weathered many storms that came her way. After she went to bed to rest, I went to the skatepark near my sister’s house. It was a windy, cloudy Sunday evening. The entire park was empty. I rollerbladed a few rounds in the beginner bowl then just reclined myself against the curved wall watching the dead leaves blowing and gray clouds floating. I reminisced about my father. I can only recall glimpses of him in my childhood memories. The time he made me a kite and we flew it together on the top balcony of our house. The time when I inserted a wire into an electrical outlet, which nearly shocked myself to death, and he saved me. The time when I sat at the front of the motorbike and shook the steering wheel, which caused the bike to swerve, and he saved me again.
The clearest memories were the two weeks in 2017 when I came back to Vietnam for a conference. Except for the two days I had to be at the conference, the rest of the time I spent with him. He was in such great health at the time. Each morning, we biked to his favorite Mỹ Tho noodle soup stalls then his favorite coffees shops. Then we relaxed by the river talking about life. He was much more expressive and communicative in person than through phone or video. Each night, we went out to different restaurants with our big family drinking and enjoying all the great food my hometown had to offer. I had such wonderful times and memories.
The day he took me back to the airport, he felt sad but didn’t want to show his emotion. He was quiet the entire ride. He didn’t want to eat. At the drop-off, he said goodbye and walked away quickly. I was shocked. I ran after him, hugged him tight, and kissed him on his rough cheek. Tears rolled down my eyes and I could not say a word. That might be the last time I would see him and it turned out to be the last time I saw him in person.
I kept staring at the dark clouds at the skatepark thinking about him. The physical distance between us in the past forty years of my life has shaped my relationship with my father. In my heart and mind, he will always be around as long as I live. I looked up and I could still hear his words and feel his spirit. I smiled at him as the rain started to drizzle. I packed and headed home. My sister called and invited us over for dinner. I picked up my mom and some liquors. I wanted to drink with my dad.
— Donny Trương
Con đường ba đã chọn
Có đôi lúc tôi cảm thấy chán chường với cuộc sống tấp nập và hối hả trên đất Mỹ. Nhất là vào những tháng ngày lạnh lẽo và hiu quạnh của mùa đông, tôi muốn bỏ hết tất cả để trở về Việt Nam sống một cuộc sống nhẹ nhàng và giản dị với ba.
Ba năm trước tôi đã có những tháng ngày ngắn ngủi bên ba trong căn nhà đơn sơ, không TV, không internet, không tin tức về chính trị Mỹ. Những buổi trưa hè tôi nằm trên chiếc võng trước nhà đọc sách, lắng nghe tiếng ve kêu, hoặc ngắm nhìn những hạt mưa rơi. Tâm hồn tôi lắng đọng và cảm giác thoải mái hơn so với cuộc sống vội vã và đầy áp lực ở Mỹ.
Dĩ nhiên đó chỉ là điều mơ ước. Tôi không thể nào bỏ lại vợ con và càng không thể nào bỏ lại mẹ già để chọn cuộc sống riêng cho mình. Tôi chấp nhận sự thật và tiếp tục sống, làm việc, và chăm sóc đàn con. Tôi không có đường chọn lựa nào khác hơn.
Khi ba quyết định về lại Việt Nam, ba đã không một lời giải thích nào cho tôi. Mấy tháng ba ở Mỹ là khoảng thời gian dài nhất tôi được sống bên ba. Lúc còn ở Việt Nam ba vẫn thường đi làm xa nên cũng không gặp được ba hằng ngày. Vì ba đã quen với cuộc sống nay đây mai đó nên bị ràng buộc trong một căn phòng thuê nhỏ ba không chịu được. Ngược lại, đối với tôi đó chính là mái ấm gia đình.
Còn gì hạnh phúc hơn khi được sống bên cạnh cha mẹ. Hằng ngày đi học về được gặp gỡ cha mẹ, được nói và được nghe tiếng Việt sau những tiếng đồng hồ dài câm nín và bị tra tấn lỗ tai với những tiếng nói lạ quắc. Được ngồi chung bàn thưởng thức những món ăn Việt Nam chính tay mẹ nấu sau khi ăn những món ăn trưa chán ngắt trong trường. Như những gì quá tốt đẹp cho sự thật (too good to be true), nó sẽ không tồn tại.
Lúc ba chọn con đường trở về Việt Nam, căn phòng thuê trở nên trống vắng. Đi học về không còn được nghe tiếng nói giòn giã của ba mà chỉ còn lại những cảm giác sầu muộn của mẹ. Tôi chơi vơi lạc lõng. Đi học bị bạn bè khác màu da trêu chọc không có người chở che. Khi không còn kiềm chế được chính mình, tôi đánh lộn trong lớp và bị đuổi học. Đó là những chuỗi ngày khó khăn nhất của tôi.
Sau này lúc tôi được ở bên cạnh ba lần vừa rồi tôi về Việt Nam, ba mới giải thích quyết định của ba. Giữa vợ và con ở Mỹ và các anh chị ở Việt Nam, ba đành phải chọn một bên. Bên con còn có mẹ, còn các anh chị không có ai cả nên ba phải về để lo cho các anh chị. Quyết định đó cũng công bằng. Phải chi ba nói với tôi từ lúc đầu, tôi đã không hiểu lầm ba và tôi đã sớm chấp nhận sự thật đó.
Sự chọn lựa đó chắc chắn rất khó khăn và khổ tâm cho ba nhưng con đường ba đi đó, con đường ba theo đó đúng đấy ba ơi. Được chứng kiến các anh chị thương yêu và chăm sóc cho ba đến cuối đời cho con thấy được sự hy sinh của ba rất xứng đáng. Chính mẹ cũng thấu hiểu được điều đó. Nếu mẹ và con giữ ba lại bên Mỹ thì đó là điều quá tham lam và ích kỷ.
Ba đã biết trước và đã tin tưởng mẹ một mình nuôi dưỡng con nên người và ba đã không bỏ rơi các anh chị. Ba cũng đã dạy dỗ các anh chị trở thành những người trọng tình nghĩa. Giờ đây anh chị em càng gắn bó hơn nhờ ơn cha.
Cám ơn những công lao và sự hy sinh to lớn của ba. Xin ba hãy yên tâm và an giấc.
— Donny Trương
Dạy con thơ
Như mỗi đứa trẻ lớn lên trên mảnh đất Việt, lòng tôi xôn xao mỗi khi xuân về. Được nghe tiếng pháo nổ, được mặc những bộ đồ mới, và dĩ nhiên là được tiền lì xì. Riêng tôi, tết là được gặp gỡ ba nhiều hơn. Những tháng ngày trong năm, ba đi làm xa lâu lâu mới về và chỉ ở lại nhà vài ngày rồi đi. Đến gần tết ba mới ở nhà được vài tuần.
Để chuẩn bị đón xuân, ba thường quét dọn và lau chùi nhà cửa từ lầu một đến lầu ba. Năm đó tôi được năm hoặc sáu tuổi, tôi cứ theo gót ba để xem ba dọn dẹp. Ba không cho đến gần vì sợ bụi bặm bay vào mũi tôi lúc ba đang quét nên ba bắt tôi ngồi trên chiếc ghế. Rồi tôi ngắm ba ngồi chồm hổm lau từng ô gạch bằng nùi giẻ. Thấy tôi vừa chán vừa buồn ngủ, ba dạy tôi hát bài gì đó mà tôi chỉ nhớ được hai câu, “Có lỗi không nhận lỗi là hèn / Có lỗi mà nhận lỗi là ngoan.” Ba hát đi hát lại vài lần rồi bảo tôi hát lại. Tôi không chịu nhưng ba cứ bắt thì tôi hát, “Có lỗi không nhận lỗi là hèn / Có lỗi mà nhận lỗi là ngu.”
Ba nhìn tôi với sự ngạc nhiên. Cũng may là tay ba đang dơ, chứ không chắc tôi ăn bạt tay rồi. Dùng tay không được, ba quay qua táp vào thằng nhóc của tôi thật nhanh. Tôi kinh ngạc vô cùng. Không đau lắm nhưng đủ để nhớ suốt đời. Chỉ có ba mới chơi trò quái lạ như thế với thằng con nghịch ngợm này.
Ước gì tôi có nhiều thời gian bên ba nhưng định mệnh đã an bày cho cha con sống cách xa nửa vòng trái đất. Ba mươi mấy năm trôi qua, tôi cũng đã quen với lối sống như thế. Tuy không gặp mặt hằng ngày nhưng tôi lúc nào cũng nghĩ đến ba. Giận ba trách ba rồi thì cũng thông cảm và thương mến ba. Vì đó là ba. Dù ba ở Việt Nam hay trên thiên đàng, tôi vẫn nghe được những tiếng nói cười giòn giã của ba mỗi khi nghĩ về ba. Ba vẫn luôn tồn tại trong tôi. Giờ đây ba vẫn bên tôi.
— Donny Trương
Vẫn còn có ba
Thưa ba,
Dạo này hai thằng cháu nội của ba học rất tệ. Chúng nó giờ có đầy đủ quá nên không cố phấn đấu. Con kể cho nó nghe ngày xưa mỗi lần con cố gắng học lên hạng, ba thưởng con ăn kem. Con rất mê được ăn kem ở vườn hoa Lạc Hồng. Kem trắng, thơm, và có vị rất đặc biệt. Sau này qua Mỹ tuy có rất nhiều loại kem nhưng con chỉ thèm được ăn kem Việt Nam.
Sau khi kể cho chúng nó nghe, con cũng bùi ngùi nhớ lại những lúc con thành đạt hoặc những giây phút hạnh phúc nhất cũng không có ba bên cạnh để chia sẻ. Năm lớp 8, con đứng nhất khối môn toán tuy Anh văn vẫn chưa vững vàng. Năm tốt nghiệp trung học và được vào đại học chỉ có mẹ và chị Thơm đưa con đến ký túc xá. Lễ tốt nghiệp đại học cầm cái bằng trong tay cũng không có ba. Ngày con kết hôn cũng không ba. Ngày con nhận được bằng thạc sĩ và được triển lãm dự án “Nghệ thuật chữ Việt” cũng không có ba ở bên cạnh. Và ngược lại, khi ba rời khỏi cõi đời này con cũng không được đến bên cạnh ba lần cuối. Đời đã an bài như thế thì con cũng đành chấp nhận nhưng con vẫn luôn nghĩ về ba trong những giây phút đó.
Ngày xưa mỗi lần nghĩ đến ba, việc con chỉ có thể làm là viết xuống những cảm nhận của mình. Những lá thư con viết cho ba đã khiến ba và nhiều người buồn. Dần dần không thấy ba hồi âm nên con chỉ viết trong nhật ký. Giờ đây mỗi lần nhớ đến ba, con cũng không làm gì được ngoài việc viết xuống những cảm nghĩ của mình. Lúc trước cũng thế, viết để tâm sự với ba. Giờ cũng thế, viết để được gần ba hơn. Lúc ba ra đi, con đã không khóc lóc không bi lụy. Không phải con mất đi cảm giác nhưng con vẫn giữ được ba trong lòng. Mối quan hệ của hai cha con xưa nay vẫn không đổi thay và nó vẫn tồn tại trong tâm hồn con cho dù nghìn trùng xa cách.
Lúc trước tuy mấy mươi năm không gặp, hai cha con cũng chỉ hỏi thăm nhau hai ba câu qua điện thoại cho có lệ: Ba khỏe không? Khỏe. Con khỏe không? Dạ cũng khỏe. Cô Ba bác Tư và đại gia đình khỏe không? Khỏe. Mấy dì mấy cậu khỏe không? Dạ thưa khỏe. Thôi bye nhé. Dạ bye.
Những tháng ngày trước khi ba ra đi, ba đã không còn nói với con gì cả. Con cũng chỉ nhìn ba qua điện thoại mà cũng chẳng biết nói gì hơn. Không dám hỏi ba khỏe không vì có cảm giác ba đang đau đớn lắm. Tình cảm con dành cho ba không thể nói lên thành lời nhưng có thể viết xuống tường chữ. Còn viết về ba là còn cảm nhận được ba. Còn viết về ba là còn tâm sự với ba. Còn viết về ba là còn yêu mến ba. Còn viết về ba là còn có ba. Chúc ba ngủ ngon.
— Donny Trương
Trở về ngôi chùa xưa
Thưa ba,
Tuổi thơ của con được gắn liền với đức Phật là nhờ công quả của ba. Ngày xưa được theo ba xây cất hoặc sửa sang lại ngôi chùa là những chuỗi ngày vui vẻ và bình yên mà con không bao giờ quên.
Ba được Sư Bà đặt cho pháp danh là Thiện Minh còn con là Huệ Quang. Con rất thích pháp danh của mình và luôn được Sư Bà, Sư Cô, và chị Mỹ Châu gọi nên con đã quên tên thật của mình lúc đó. Ngày ba hoàn tất công việc và tạm biệt các Sư và chị Châu con không chịu về. Con muốn ở lại chùa vì nơi đó con đã tìm được niềm vui. Chiều theo ý con, ba đã để con ở lại trong chùa.
Mỗi buổi sáng thức dậy con được thưởng thức những món điểm tâm chay rồi cùng Sư Bà, Sư Cô, và chị Châu đi tụng kinh. Con được giao phó phần gõ chuông mỗi lúc sư bà đọc kinh. Niệm Phật xong con phụ giúp Sư Cô đi tưới cây xung quanh chùa trong lúc chị Châu đi học. Giỏi thì được Sư Cô thưởng cho một trái dừa tươi uống vừa ngọt vừa đã khát.
Lúc trưa lại được ăn những món chay rất ngon. Món con thích thất là cơm rang bằng “dầu lửa.” Ăn trưa xong thì được ngủ trưa. Có lúc được ngủ trên chiếc võng sau vườn dưới gốc dừa. Nhờ những luồng gió man mát và những tiếng ve kêu da diết đã cho con những giấc ngủ nhẹ nhàng thoải mái. Ngủ dậy được Sư Bà dạy học nhưng con không nhớ rõ đã học những gì vì lúc đó con còn chưa lên mẫu giáo. Nhưng con lại nhớ rất rõ sau giờ học với Sư Bà là giờ chơi với chị Châu. Hai chị em chơi trốn tìm vòng quanh khu chùa, chơi lò cò, chơi thảy đá, hoặc chơi thắt lá dừa. Chị Châu thắt rất khéo những con thú và chong chóng bằng lá dừa.
Chiều đến đi niệm Phật và thắp nhang những tượng Phật. Rồi thì ăn tối những món chay rất ngon như tàu hủ chiên chấm nước tương và rau muống xào thơm phức. Sau buổi ăn tối thì con và chị Châu xúm lại nghe Sư Cô kể chuyện Phật pháp. Sư Cô kể chuyện rất hay nên con rất say mê nhất là những buổi tối trời mưa.
Được sống trong chùa là những giây phút thanh tịnh nhất của cuộc đời con. Dưới tình thương của Sư Bà, Sư Cô, và chị Châu, con được sống trong một thế giới nhỏ bé, an toàn, và hoàn toàn khác biệt với thế giới bên ngoài.
Giờ đây ba được trở về với ngôi chùa xưa ba đã bỏ công ra xây dựng và đóng góp, con rất an tâm. Hằng ngày ba cũng sẽ được nghe kinh phật như con lúc xưa. Con tin chắc rằng linh hồn ba được thanh tịnh và thanh bình trong ngôi chùa đó.
— Donny Trương
Một ngày ngọt ngào
Thưa ba,
Hôm qua con vừa đọc xong quyển hồi ký rất cảm động của nữ danh ca Mariah Carey. Không ngờ đằng sau danh tiếng lẫy lừng và thành công rực rỡ, cô đã trải qua rất nhiều biến cố trong cuộc sống.
Lúc mới qua Mỹ, con thích giọng hát của cô và rất khâm phục lời hát cô đã viết, đặc biệt là nhạc phẩm “One Sweet Day” (Một ngày ngọt ngào) cô đã viết và trình diễn với nhóm Boyz II Men. Lúc nhạc phẩm này mới ra, con đã xem đi xem lại rất nhiều trên MTV. Lúc đó con biết được lời nhạc rất hay nhưng chưa cảm nhận được tâm trạng gửi gắm trong ca từ. Giờ nghe lại mới thấm, nhất là phần điệp khúc:
Và tôi biết được bạn đang tỏa sáng xuống tôi từ Thiên đàng
Như những người bạn chúng đã mất trên đường đời
Và tôi biết một ngày nào đó chúng ta sẽ cùng bên nhau
Một ngày ngọt ngào.
Có người cho rằng những gì con viết chỉ là đạo đức giả. Lúc ba còn sống con đã không giúp đỡ được gì cho ba. Lúc ba đi rồi thì là kẻ la khóc to nhất. Con không giận cũng không trách họ. Những gì con viết xuống đây là để tưởng nhớ và chia sẻ những kỷ niệm của riêng con với ba. Điều đó con không cảm thấy xấu xa hay giả tạo. Điều con chỉ sợ là không còn gì để viết hoặc không dám viết.
Mấy mươi năm qua con viết về ba rất nhiều. Lúc bố vợ còn trên cõi đời này, bố đã đọc những lời tâm sự con viết về ba và bố đã hiểu được tâm trạng của con. Lúc mới biết con, bố cũng khá ngạc nhiên nếu không thất vọng. Mấy chục tuổi đầu mà không biết dùng cây búa để đóng cây đinh cho thẳng. Nhưng rồi bố cũng chấp nhận thằng con rể vụng về này tối ngày chỉ chăm chỉ đọc và viết. Sau khi trở thành con rể, bố tặng cho đồ nghề và đã dạy cho con cách sửa chữa những thứ lặt vặt trong nhà. Nhờ bố mà giờ đây con tự tin hơn mỗi khi phải sửa chữa đồ trong nhà.
Lúc tụi con mới cưới bố đã về Việt Nam và đã gặp ba và đã biết mặt nhau. Bố mến sự thân tình và tình cảm của ba. Hy vọng giờ đây bố và ba có thể gặp lại nhau vào một ngày ngọt ngào.